Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử xã Trà Linh

Chi tiết tin

Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc làm việc tại huyện Nam Trà My, Quảng Nam

Chiều 14.3, tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc do Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo địa phương về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, giai đoạn 2010 - 2017.

Theo báo cáo của UBND huyện Nam Trà My, giai đoạn 2010 - 2017, các chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh Quảng Nam về hỗ trợ phát triển giáo dục vùng DTTS, miền núi, đã được huyện triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời đến với các đối tượng thụ hưởng. Các chính sách về chế độ, tuyển dụng, bố trí biên chế, bổ nhiệm, luân chuyển được thực hiện đầy đủ, khách quan; chính sách về lương, phụ cấp, ưu đãi, thu hút đặc thù… đáp ứng được yêu cầu về hỗ trợ, động viên, khuyến khích học sinh, đội ngũ cán bộ, giáo viên trong việc nâng cao chất lượng dạy học, yên tâm công tác. Hệ thống trường lớp không ngừng được củng cố, phát triển cả về quy mô, lẫn số lượng. Số lượng học sinh huy động ra lớp tăng nhanh, việc duy trì sĩ số từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên, tình hình phát triển giáo dục vùng DTTS, miền núi trên địa bàn huyện cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, sau khi hết 5 năm hưởng ưu đãi phụ cấp, trợ cấp, đội ngũ giáo viên miền núi thường xin chuyển về vùng thuận lợi để công tác. Mặt khác, nhiều chế độ của Nghị định 116 chưa được thực hiện đầy đủ; chưa có chế độ hỗ trợ, thu hút giáo viên ở lại vùng khó khăn vì hiện mới chỉ bù chênh lệch trượt giá. Huyện Nam Trà My kiến nghị rà soát, sửa đổi các bất cập, chồng chéo của chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng DTTS và miền núi hiện nay. Trong đó, nghiên cứu sửa đổi Nghị định 86 về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh và Nghị định 116/2016/NĐ-CP theo hướng tất cả con, em người DTTS đều được thụ hưởng chính sách. Xem xét việc nên tiếp tục hay dừng thực hiện Nghị định 134/NĐ-CP về Quy định chế độ cử tuyển vào cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Đánh giá cao những kết quả huyện miền núi Nam Trà My đã đạt được trong công tác phát triển giáo dục vùng DTTS, miền núi giai đoạn 2010 - 2017, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh: Huyện đã có nhiều cách làm hay, trong việc hỗ trợ giáo viên, học sinh, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy. Những nỗ lực của tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Trà My rất đáng ghi nhận, là điểm sáng trong phát triển giáo dục vùng DTTS, miền núi, giai đoạn vừa qua. Đối với các kiến nghị, đề xuất của địa phương, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, sẽ ghi nhận và tổng hợp, báo cáo QH, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để có những điều chỉnh kịp thời.

Trước đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cùng các thành viên Đoàn giám sát đã đến thăm, làm việc với lãnh đạo xã Trà Vân; thăm, tặng quà 20 hộ gia đình đồng bào DTTS trên địa bàn bị thiệt hại trong vụ sạt lở đất do ảnh hưởng của cơn bão số 12; ủng hộ Quỹ khuyến học xã Trà Vân phần quà trị giá 10 triệu đồng.

+ Sáng cùng ngày, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, Thường trực Hội đồng Dân tộc đã làm việc với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Ủy ban Dân tộc và các bộ có liên quan về việc thực hiện chính sách tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện khu vực Tây Nguyên; chính sách ổn định dân di cư tự phát đến Tây Nguyên và chính sách đối với người hồi hương từ Campuchia về Việt Nam.


Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại buổi làm việc  
Ảnh: Mạnh Tuân

Tham dự có đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Ủy ban Đối ngoại.

Qua theo dõi tình hình dân cư, sau năm 1975 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã có biến động dân cư lớn và nhanh nhất cả nước. Năm 1976, dân số là 1,23 triệu người với 18 dân tộc. Năm 2013 là 2,37 triệu người với 35 dân tộc; năm 2003 là 4,67 triệu người, với 46 dân tộc và năm 2013 là 6 triệu người với trên 50 dân tộc.

Nhìn vào kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, có thể thấy, dân cư tập trung đông nhất tại các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, sau đó đến Đắk Nông và Kon Tum. Tại thời điểm 2009, khu vực Tây Nguyên vẫn là vùng có mật độ dân cư thấp hơn nhiều so với cả nước. Đây cũng là một trong các nguyên nhân thu hút dân di cư từ các địa phương vào Tây Nguyên.

Vừa qua, Hội đồng Dân tộc đã thực hiện khảo sát về việc thực hiện các chính sách ổn định đời sống, sản xuất đối với đồng bào di cư tự phát tới các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Dự thảo Báo cáo kết quả khảo sát cho thấy, mặt tích cực của gia tăng dân số đã góp phần hình thành, phát triển khu dân cư, đô thị, vùng sản xuất mới; góp phần giãn, giảm mật độ dân số, giảm sức ép làm việc tại các tỉnh dân đi; góp phần bổ sung nguồn nhân lực (đa số là lao động trẻ), khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp; góp thêm bản sắc văn hóa các dân tộc từ các vùng, miền đến với Tây Nguyên.

Tuy nhiên, tình trạng di cư tự phát diễn ra liên tục trong nhiều năm với quy mô lớn đã và đang tạo nên những ảnh hưởng, tác động tiêu cực đối với các tỉnh Tây Nguyên. Phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sắp xếp dân cư, phát triển KT - XH, quản lý sử dụng đất… làm tăng đột biến quy mô dân số tại một số địa bàn, nảy sinh nhiều khó khăn trong quản lý hành chính, ổn định đời sống dân cư, thường xuyên xảy ra các vụ việc chặt phá, lấn chiếm rừng, đất rừng, làm nương, rẫy trái quy hoạch, gây tác động xấu đến môi trường sinh thái.

Đáng lưu ý, mặc dù Chính phủ đã có các cơ chế, chính sách, các bộ, ngành, Trung ương, các địa phương đã xây dựng các dự án, bố trí nguồn lực để sắp xếp, ổn định dân di cư tự phát liên tục trong nhiều năm, nhưng đến cuối năm 2017, tiến độ xây dựng các dự án tại các tỉnh đều diễn ra chậm, 2/3 số dự án chưa hoàn thành, nhiều dự án đã có quyết định phê duyệt nhưng chưa được bố trí vốn. Quy hoạch, các công trình tại các dự án đã hoàn thành không kịp bổ sung, đang có nguy cơ bị phá vỡ…

Cơ bản đồng tình với dự thảo Báo cáo, một số đại biểu cho biết, hiện nguồn vốn ngân sách trung ương bố trí thực hiện các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự phát còn hạn chế, mới đáp ứng gần 41% nhu cầu, dẫn đến nhiều dự án xây dựng dang dở, kéo dài, ảnh hưởng tiến độ, không đạt mục tiêu đề ra, thậm chí gây lãng phí, giảm hiệu quả đầu tư.

Tới đây, các bộ, ngành nhất trí với kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, là QH, các cơ quan của QH tăng cường hoạt động giám sát, chất vấn, yêu cầu giải trình về thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, dân cư và giải quyết vấn đề di dân và dân di cư tự phát. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành và Ủy ban Dân tộc tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách sắp xếp, ổn định dân di cư tự phát giai đoạn 2007 - 2017. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện chính sách quản lý, sắp xếp, ổn định di cư tự phát giai đoạn 2018 - 2025.

Tác giả: MẠNH TUÂN - HOÀNG NGỌC

Nguồn tin: http://www.daibieunhandan.vn


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ TRÀ LINH - NAM TRÀ MY - TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: Xã Trà Linh - Nam Trà My - Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Lượt truy cập

   Minimize
Tổng số lượt truy cập