Tại cuộc họp, ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My đề nghị các đơn vị, phòng, ban huyện, UBND các xã sẵn sàng lên phương án để chủ động đối phó với bão NORU tuyệt đối không để bị động, bất ngờ. Trong đó, UBND các xã phải có phương án sơ tán người dân trong thiên tai, nhất là các khu vực dân cư đang sống ở những vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, nhà cửa không kiên cố trước 17h chiều thứ Hai (26/9) và có báo cáo cụ thể về UBND huyện. Các địa phương chủ động nguồn lương thực tại chỗ, lực lượng tại chỗ để ứng phó khi bão đổ bộ; liên hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn đã được UBND huyện phân công khắc phục thiên tai để kịp thời xử lý các điểm sạt lở lớn khi bão đổ bộ.
Các lực lượng của địa phương phối hợp với lực lượng quân đội, công an hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa; chủ động, sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn khi thiên tai xảy ra.
Trung tâm VHTT&TTTH huyện làm tốt công tác thông tin, truyền thông ứng phó với bão, lũ; cập nhật thông tin về diễn biến bão, mưa lũ để chính quyền các địa phương và nhân dân biết, chủ động ứng phó; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trước, trong và sau thiên tai…
Theo thông tin dự báo Trung tâm DBKTTV quốc gia rạng sáng ngày 26/9 bão NORU sẽ vào Biển Đông, đến khu vực biển quần đảo Hoàng Sa với cường độ cấp 12-13, giật cấp 16. Bão mạnh nhất (cấp 13, giật cấp 16) trên Biển Đông vào ngày 27/9. Từ chiều 27/9, bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Huế - Quảng Ngãi. Khả năng cao khi vào gần bờ, cường độ bão NORU cấp 12-13.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 (màu đỏ - rủi ro rất lớn – là cấp rủi ro thiên tai chỉ đứng sau cấp 5 – thảm họa trong thang 5 cấp rủi ro thiên tai). Đây là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, có thể gây mưa rất lớn, kéo theo đó là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.