Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử xã Trà Linh

Chi tiết tin

Miền núi Nam Trà My ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

Kể từ sau thảm họa sạt lở, lũ quét do ảnh hưởng bão số 9 hồi cuối tháng 10.2020, đến nay, huyện Nam Trà My đã cơ bản hoàn thành công tác khắc phục hậu quả thiên tai, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được ổn định, hoạt động sản xuất kinh tế được khôi phục. Qua đó, huyện vùng cao này cũng rút ra được nhiều bài học quý báu trong ứng phó với thiên tai, nhất là giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp.

Một góc KCD nóc Ông Sinh, thôn 1, xã Trà Vân

Nỗ lực ổn định cuộc sống

Theo ông Trần Văn Mẫn – PCT UBND huyện Nam Trà My, thời gian qua, việc triển khai khắc phục hậu quả thiên tai được thực hiện khá tốt, đặc biệt là công tác bố trí tái định cư cho các hộ dân bị sạt lở vùi lấp, lũ quét cuốn trôi nhà cửa.

Toàn huyện Nam Trà My có 79 trường hợp bị trôi, sập hoàn toàn, trong đó 70 căn nhà đã được xây dựng và bàn giao cho người dân, 04 căn nhà đang trong quá trình hoàn thiện và 05 trường hợp không có nhu cầu dựng nhà mới (do UBND các xã báo cáo không làm nhà mà ở cùng với con cái); hỗ trợ khắc phục cho 55 trường hợp nhà bị hư hỏng nặng (thiệt hại từ 30 – 70% giá trị), giúp người dân yên tâm định cư.

Ngoài ra, việc quy hoạch sắp xếp mới lại các khu dân cư được triển khai đồng bộ. “Ngay từ đầu năm 2021, UBND huyện đã phê duyệt quy hoạch và sắp xếp dân cư cho 273 hộ, cùng với 177 hộ thuộc 04 khu dân cư trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, tất cả dự kiến hoàn thành trước ngày 30.9 năm nay, nhất định không để xảy ra tình trạng đến lúc mưa bão vẫn phải loay hoay dựng nhà” – ông Mẫn nói.



Song song với quy hoạch dân cư, hạ tầng giao thông cũng được quan tâm. Đến nay đã hoàn thành việc xử lý khắc phục tạm thời các hư hỏng, bố trí hệ thống các biển báo, rào chắn những vị trí xung yếu tại các tuyến giao thông trên địa bàn để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại.

Ông Lê Thế Trường – GĐ Trung tâm Phát triển quỹ đất và Quán lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Nam Trà My cho biết, hiện tại các tuyến đường trọng yếu đã được khắc phục, đảm bảo giao thông bước 1 với số tiền 16,327 tỉ đồng. Riêng sau cơn bão số 9 hồi cuối tháng 10.2020, huyện đã huy động phương tiện hỗ trợ với 476 ca và 255 nhân công tham gia mở đường công vụ phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn.

Trong nỗ lực khắc phục thiệt hại nông nghiệp (cây trồng, con vật nuôi) cho bà con, huyện Nam Trà My đã hỗ trợ cho các xã Trà Don, Trà Mai, Trà Vinh, Trà Dơn, Trà Leng, với kinh phí: 1,2 tỷ đồng. Theo ông Trịnh Minh Hải, Trưởng Phòng NN&PTNN Nam Trà My, từ nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau, bà con nhân dân đã bắt tay khôi phục sản xuất.

“Huyện đã tiếp nhận 500 kg lúa giống của sở Khoa học và Công nghệ tỉnh hỗ trợ cho nhân dân 07/10 xã và phân bổ hạt giống ngô từ nguồn dữ trữ quốc gia hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai cho nhân dân 10/10 xã, với số lượng 3.000 kg. Riêng xã Trà Leng đã tiếp nhận 1.000 cây giống sầu riêng được Trung ương đoàn hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại do thiên tai, đến nay đã triển khai thực hiện hỗ trợ cho người dân trồng” – ông Hải cho biết

Có thể nói, thành công từ công cuộc tái thiết cuộc sống cho nhân dân sau thiên tai sẽ là điểm tựa vững vàng, tạo cơ sở vững chắc để huyện Nam Trà My đối phó với thách thức mới trong mùa mưa bão năm nay.

Ứng phó với “Thách thức kép”

Đến nay, trên địa bàn huyện Nam Trà My chưa ghi nhận trường hợp dương tính với Covid-19, song đứng trước “Thách thức kép: Thiên tai – Dịch bệnh COVID-19”, công tác phòng chống thiên tai trong thời gian tới đòi hỏi huyện Nam Trà My phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tránh bị động.

Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, địa hình chia cắt, khả năng giao thông tê liệt trong mùa mưa bão là rất cao. Do đó, cách thức thực hiện cũng phải phù hợp với đặc thù của địa phương.

Là một trong những xã chịu thiệt hại nặng nề nhất nhưng Trà Leng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn khi thiên tai xảy ra. Ông Phan Quốc Cường - Chủ tịch UBND xã Trà Leng chia sẻ, ngay sau khi có vụ việc sạt lở đất, ngay trong đêm, UBND xã đã chỉ đạo lực lượng quân sự, công an, y tế đến hiện trường để giúp nhân dân khắc phục, cứu chữa kịp thời 06 nhiều người bị thương, trong đó có 03 trường hợp bị thương rất nặng.

“Xã đã thành lập khẩn cấp các Ban khắc phục hậu quả thiên tai gồm: Ban tìm kiếm cứu nạn, hậu sự; Ban đời sống nhân dân, Ban định canh định cư và Ban hậu cần, phân công nhiệm vụ cụ thể để thực hiện công tác khắc phục hậu quả” – ông Cường nói.

Công tác sơ tán dân được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong việc giảm thiểu tối đa nguy cơ thiệt hại về người khi mưa bão đến. Tuy nhiên, việc này phụ thuộc rất lớn vào các điểm sơ tán tập trung – những nơi vừa phải đảm bảo an toàn trước nguy cơ sạt lở, vừa phòng tránh được nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Ông Châu Minh Nghĩa – Chủ tịch UBND xã Trà Mai kiến nghị, hiện nay nhiều nơi trên địa bàn xã còn hạn chế về thông tin do hạ tầng viễn thông chưa được đầu tư đồng bộ. Bên cạnh đó, việc lựa chọn các điểm sơ tán tập trung cũng chỉ mang tính trực quan, do đó cần đầu tư hạ tầng, đồng thời có cơ quan chuyên môn thẩm định cụ thể, phê duyệt về mức độ an toàn để đảm bảo cho người dân trong quá trình tránh trú.

Ông Trần Văn Thu – Giám đốc Trung tâm Y tế Nam Trà My cho biết, hiện nay huyện đang thực hiện chặt chẽ việc quản lý, cách ly y tế người về từ vùng dịch, đặc biệt là công nhân tại các nhà máy thủy điện và lao động tự do, các chốt kiểm soát được duy trì và túc trực 24/24.

“Trung tâm cũng đã tham mưu và thành lập 2 điểm cách ly tập trung với 120 giường dự phòng, 2 địa điểm này đáp ứng đủ điều kiện an toàn trong mùa mưa bão; bên cạnh đó, 10/10 trạm y tế xã được xây dựng kiên cố, có thể thành lập khu cách ly tập trung” – ông Thu nói.

Theo ông Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, huyện sẽ thực hiện lồng ghép phương châm 4 tại chỗ với biện pháp 5K của Bộ Y tế một cách nghiêm túc, khoa học. Đối với lực lượng, phương tiện tại chỗ, huyện đã chỉ đạo tổ chức kiện toàn lực lượng xung kích cấp xã, đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn trong việc xử lý các tình huống khẩn cấp.

Huyện Nam Trà My hiện nay cũng đang chỉ đạo xây dựng các phương án hỗ trợ người dân thu hoạch vụ hè thu, tích trữ nông sản phục vụ. “Thay vì phân bổ lương thực thiết yếu về cho các xã tự phân bổ, huyện sẽ khuyến khích xây dựng các kho dự trữ lương thực ngay trong các khu dân cư, trong từng bản, làng để người dân tiếp nhận được thuận tiện hơn, phòng trường hợp mưa bão kéo dài nhiều ngày, giao thông bị chia cắ” – ông Dũng chia sẻ.

Tác giả: Phú Thiện

Nguồn tin: Trung tâm VHTT&TTTH huyện


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ TRÀ LINH - NAM TRÀ MY - TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: Xã Trà Linh - Nam Trà My - Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Lượt truy cập

   Minimize
Tổng số lượt truy cập